Những ngày sông Yên
Tác giả: Tịnh Ngôn Opera
(2009-2010)
(Phần 1)
Những ngày đầu năm 2008, nhân lúc
nhàn rỗi, tôi ngồi mày mò vào mạng và tình cờ tìm hiểu Cộng đồng Blog Opera.
Sau đó thì tôi trở thành thành viên của cộng đồng này. Với khả năng vi tính “tự
đào tạo” như tôi thì loay hoay mãi mới design được cho mình một cái giao diện
trên nền css của những người đi trước như phamlam, hoatrongvuon, danquynh...
Bẵng đi một thời gian, điều kiện
không cho phép tôi lên mạng thường xuyên. Nếu như có bạn nào đó đã từng nói
blog là ngôi nhà thứ hai của mình thì trong những tháng ngày qua, blog tôi trống
trải như một căn nhà hoang lạnh nhạt, thấy mà tội.
Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế
nào, đến nay tôi lại vào làm việc tại một nơi mà vì lý do tế nhị nên tạm gọi là
Công ty Sông Yên. Và cũng bởi sự tế nhị ấy nên từ đây, tên người và địa danh
tôi sẽ gọi bằng biệt danh; còn những sự việc, câu chuyện tôi sẽ kể thì hoàn
toàn là sự thật một trăm phần trăm.
Mời các bạn cùng đọc...
Sông Yên là một công ty dịch vụ
và giải trí, đại loại như vậy. Công việc chính của tôi là bảo trì 10 phòng
karaoke máy lạnh; căn chỉnh, chọn nhạc cho một quán cà phê và tạo file, điều
khiển projector, camera phục vụ Hội nghị, tiệc cưới tại nhà hàng. Thế nên được
gọi là anh kỹ thuật. Thời gian còn lại thì làm những việc lặt vặt khác theo yêu
cầu của mấy vị lãnh đạo và quản lý (Cầu ơn trên cho họ mạnh khỏe sống lâu để hưởng
phúc cùng con cháu). Tất nhiên khi xin việc thì phải có đầy đủ hồ sơ như đơn
xin, sơ yếu lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, bản công chứng các giấy tờ liên
quan... nhưng đến khi nhận việc thì bà Chủ tịch Hội đồng thành viên chỉ thông
báo miệng rằng: “Mai em đi làm”. Xong.
Tôi không có chỗ làm việc riêng,
ngồi bất cứ chỗ nào thích, đi bất cứ chỗ nào cần, để đồ nghề bất cứ chỗ nào thuận
tiện. Mấy anh bảo vệ còn có cái phòng trực, cái bàn uống nước tiếp khách và tôi
hoàn toàn không ghen tị vì điều đó. Nói vậy là thật lòng chứ không phải mỉa mai
vì ở đây từ giám đốc trở xuống, tuy lương hướng, trách nhiệm, công việc có khác
nhau nhưng đều cùng thân phận là những kẻ làm thuê, thế thôi. Ai lại ghen tị với
những đồng đẳng của mình bao giờ.
Ngày đầu tiên vào làm việc, sau
khi tiếp cận thiết bị, tôi gặp H (chưa đặt biệt danh nên tạm gọi tên tắt như vậy),
cô gái phụ trách quầy của quán karaoke Phấn Khích. Nhỏ nhìn tôi từ đầu đến chân
rồi hỏi:
- Anh vô đây làm thiệt đó hả, suy
nghĩ kỹ chưa?
- Có chi đâu mà phải suy nghĩ,
em.
Im lặng, nhưng qua ánh mắt, tôi
biết nhỏ đang cười thầm. Và tôi cũng biết cả cái điều nhỏ đang nghĩ. Nhỏ tưởng
tôi không biết nhiều về cái công ty này và những người trong đó, tưởng tôi đi
tìm ở đây một nơi dễ kiếm tiền và nhanh chóng tiến thân như những lời ngọt ngào
của lãnh đạo. Nhầm to rồi cô bé ơi. Tất nhiên đi làm là để kiếm tiền, nhưng tôi
vào đây là còn vì một lý do khác, đó là tích lũy cho mình một vốn sống khác trước,
thay đổi môi trường làm việc để... tiếp tục học làm người. Tôi cũng cười thầm,
bé thua 1-0 rồi. Anh rành về những người sáng lập công ty từ khi em còn tắm mưa
kia, hiểu rõ về sự hình thành và tồn tại của nó khi em còn ngồi trên ghế nhà
trường. Đừng cười nhau thế nữa.
Và trong ngày đầu tiên đó, đã có
một việc để nói. Ấy là mấy vị quan chức nhà nước cấp tỉnh, sau vài cữ nhậu ở
đâu đó đến hát karaoke và gọi gái. Các vị gọi rất đông em tới để xem mặt, em
nào không xinh được cho ra về với tiền bo là hai xị (hai trăm ngàn) và các em mừng
rơn vì không bị sờ mó tý nào, còn thì giờ chạy sô chỗ khác mà vẫn có tiền. Còn
những em được ở lại mừng hơn vì ngồi với mấy anh bằng tuổi cha chú mình chừng
hơn một tiếng đồng hồ được chẵn mỗi em một chai (triệu) khỏe re. Số tiền các vị
chi trong đêm ấy chỉ tại karaoke thôi chắc chắn đã cao hơn ngân sách nhà nước
(của tỉnh tôi) hỗ trợ cho một đoàn thể cấp xã hoạt động trong một năm. Người ta
thường gọi đó là tiền chùa, nói thế tội chết. Tiền chùa là do các đệ tử cúng để
xây dựng nơi thờ Phật với ít nhiều lòng thành. Còn tiền này có trời mới biết nó
ở đâu ra!
Chợt thấy những ngày đi vận động
xe đạp, quần áo, sách vở cũ cho trẻ vùng sâu, vùng xa của anh em và mình bị xúc
phạm ghê gớm. Chợt thấy thương cho mấy chú mấy anh tổ dân phố lặn lội đi thu từng
đồng quỹ “đền ơn đáp nghĩa” để đạt chỉ tiêu khu dân cư văn hóa. Chợt thấy...
Rồi sáng ngày mai, tại một quán
cà phê nào đó, các vị kia sẽ dửng dưng lắc đầu trước bàn tay xòe ra của một cụ
già ăn xin.
H nói “còn nhiều ông sộp hơn” và
tôi cũng biết điều đó.
Đêm ấy, âm thanh sồn sột đặc
trưng của loại giấy polimer mới rút từ kho bạc ám hỏng giấc ngủ tôi.
2. Lại chuyện Karaoke
2.1 Đang ngồi ở phòng kỹ thuật
cách ly của nhà hàng, vừa làm vừa nghe nhạc bằng headphones thì điện thoại rung
lên. Điện thoại của H: “Anh về chỉnh máy cho khách”. Bươn bả chạy xe qua, thì
ra mấy ông thanh niên hát với gái nghịch nhột mấy em làm rớt hỏng micro. “Sao
em không thay mic khác cho anh cái?”, “Đó là việc của anh”. Ừ thì việc của tôi.
Tôi cầm cái micro khác, đến phòng, gõ cửa cẩn thận đúng năm giây mới kéo cửa bước
vào. Không muốn nhìn nhưng cũng phải thấy trên hai chiếc ghế da dài là hai cặp
đang “tàu nhanh” với cùng một thế “vác cày qua núi”. Bọn còn lại đứa hát, đứa uống,
đứa sờ nắn, đứa mút và hoàn toàn không đếm xỉa đến sự xuất hiện của tôi. Tôi lẳng
lặng mở tủ máy, đổi chiếc mic khác cho chúng rồi nhanh chóng lách ra ngoài và
có cảm giác như nhìn phải lũ chó động dục ngoài đường. Nếu bọn chúng không biết
xấu hổ với những kẻ cùng chung loài thì ít nhất cũng phải biết xấu hổ trước một
kẻ khác loài như tôi chứ. Đằng này thì...
Lúc sau gặp lại bọn chúng ngật
ngưỡng bước ra sân, trông thằng nào cũng trẻ trung, đẹp trai.
2.2 H sắp cưới, nhỏ bận nhiều việc
nên có lúc nhờ tôi trực thay. Một hôm khoảng hơn ba giờ chiều, hai cô bé học
sinh mới lú lú lớn bước vào và nói với tôi: “Cho con phòng số 3”. Hình như tụi
nó đã từng quen thuộc âm thanh của từng phòng ở nơi này, nhưng tụi nó không hề
biết tôi đã căn chỉnh lại tất cả máy móc, thiết bị. Tôi hỏi lại: “Đi mấy người
bé?” “Dạ bốn”. Tôi bật máy tính giờ với giá phòng không có máy lạnh, nhưng vẫn
mở máy lạnh cho tụi nó vì thời tiết quá nóng, học trò mà. Lát sau thì có hai cậu
trai trạc tuổi ấy vào, rồi lục tục từng cô, từng cậu kéo đến. Nửa tiếng đồng hồ
trôi qua, một cô bé chạy ra và nói với tôi: “Anh ơi (ban nãy chính nó gọi tôi bằng
chú) tụi em không có tiền, cho em cầm đỡ cái nhẫn vàng tây này” “Ở đây chiều phải
nộp tiền mặt cho công ty, chứ không như mấy quán gia đình mà cầm đồ đâu bé à”.
Tôi nói vậy và nghĩ thầm “tiền giả mình cũng còn không phân biệt được huống chi
vàng giả”. Cô nhỏ xịu mặt xuống và quay vào hát tiếp. Hơn một giờ sau đó, cả bọn
lục tục kéo ra đứng ở tiền sảnh, bàn nhau xem nên cầm cái gì. Đứa nào cũng đi
xe đạp Nhật, nhưng đó là phương tiện đi học, đi chơi của chúng nên không thể
đem ra cầm được; máy tính Casio FX thì cũng rất cần; điện thoại di động thì lại
càng không thể vì lấy cái gì để liên lạc và nghe nhạc. Một đứa kêu lên: “Con
Khánh có sợi dây chuyền kìa” “Má tao không thấy biết liền” “Thì tháo cái mặt
thôi”. Ngay lập tức cái mặt dây chuyền được tháo ra và lại bọn trẻ lại dùng
chiêu năn nỉ. Tôi vẫn chung thủy với câu trả lời ban nãy. Hai đứa trong bọn đạp
xe đi, chắc là tìm đường xoay sở. Số còn lại vừa chờ vừa nói chuyện tào lao.
Trong câu chuyện của chúng tôi nghe loáng thoáng về một đứa nào đó đã “hơn ba
tháng” kèm câu thành ngữ “khôn ba năm dại một giờ”.
Lâu quá không thấy hai đứa kia
quay lại, một cô bé lùn và mập nhất bọn rút ra tờ 100.000. Cả đám ồ lên “Có tiền
mà nín” “Tiền này tiêu được tao chết liền”. Chết liền đâu không thấy, chỉ thấy
nó lấy lại tiền thừa rồi cả hội kéo nhau đi khỏi.
2.3 Tiệc cưới của H đãi ở nhà
hàng của Công ty, một nhà hàng đẹp bậc nhất thành phố. Tan tiệc, tôi vừa mới bước
chân khỏi phòng điều khiển, chưa kịp kiếm cái gì bỏ vào bụng thì Ròm – Trưởng
phòng kinh doanh điện thoại cho tôi “Anh về Karaoke có người tìm” (tôi là người
trực thay H trong những ngày này). Tưởng có người quen tìm thật, té ra có một
ông khách tưng tưng sau khi dùng tiệc xong ghé qua thư giãn: “Cho anh một
phòng” “Dạ anh đi mấy người” “Một mình anh thôi, gọi giúp anh một em phục vụ dễ
thương”. Việc gọi gái bình thường thì H làm, và nhỏ đã để lại cái danh bạ má mì
cho tôi trong cuốn sổ trong đáy hộc bàn. Ông kia vào phòng, không hát ngay mà
ngồi chờ. Lát sau có một em miền Tây khoảng trên dưới hai lăm tuổi chạy xe tới.
Tôi gửi em vài chai bia, hai cái khăn lạnh, dĩa trái cây và chai trà xanh không
độ nhờ em đem vào giúp vì nhân viên phục vụ đều ở hết bên nhà hàng tiệc cưới, dự
đám xong ở lại giúp đỡ dọn dẹp luôn. Nghe âm thanh vẳng ra thì biết trong phòng
lúc hát lúc không, có lúc cũng chẳng thèm chọn nhạc. Đến khi tính tiền, vị
khách nọ cho em miền Tây về trước sau khi bo đủ và em không phiền hà gì. Gọi
tôi vào phòng, ông ta nói với tôi: “Ngồi uống với anh một ly cho vui em”. Trên
bàn, mấy chai bia đã được em kia nhanh tay khui hết, nhưng mới chỉ uống hết hơn
một chai, dĩa trái cây gần như còn nguyên. “Dạ, em không được phép ngồi với
khách” - tôi từ chối khéo. Ông ta nói hoài không được bèn ngồi lại tiếp tục uống
ráng tới lúc không nuốt nổi nữa rồi xin cái bao nilon đựng số trái cây còn lại
đem về (chẳng biết cho vợ con hay là cho ai). Tôi băn khoăn không hiểu ông này
thuộc dạng nào.
Chuyện karaoke thì còn nhiều,
nhưng chỉ kể vài chuyện, cũng chưa hẳn là điển hình nhất để các bạn đọc cho
vui, thế thôi.
3. Cà phê Vườn xanh
Quán nằm ở góc ngã tư hai con đường
lớn ven thành phố, gọi là Vườn xanh nhưng nền đất được đổ bê tông, cây trồng
thì toàn loại rẻ tiền to gốc bứng ở các nơi đem về. Các em phục vụ ở đây hầu hết
đều là sinh viên làm thêm, được công ty bao ăn bao ở cùng với lương tháng mấy
trăm ngàn. Đời sinh viên nghèo như thế cũng đỡ vất vả cho gia đình ở quê. Các
em làm việc theo ca ngoài giờ học. Có mấy em gái khá xinh và theo nhận xét của
tôi đều sống rất nghiêm túc, có nghĩa là chỉ đi chơi với bạn trai (nếu có) chứ
không cợt nhả với khách như những em gái bên các khu vực khác của công ty. Tất
nhiên khách cà phê cũng có nhiều người tìm cách bắt chuyện, cầm tay... và chẳng
ai thích điều đó. Nhiều em nói giọng quê đặc sệt, hiền lành và chân chất như
cây lúa. Tôi thích cái chất quê ấy, chất quê hiếm hoi trong thành phố đầy bê
tông và bụi bặm. Tự dưng thấy hơi ngại cho các em lỡ gặp phải cao thủ, mà cao
thủ thời nay không hiếm, sẽ phải lao đao, không khéo hỏng đời đấy các em ạ.
Khách đến quán này đa số là những
người đã đi làm vì giá cả ở đây hơi cao, thanh niên rỗi việc và học sinh sinh
viên rất ít ghé. Những lúc chọn nhạc, chỉnh âm ở đây, tôi cố ý lắng nghe những
chuyện thiên hạ bàn. Đúng là quán cà phê, đủ thứ chuyện trên đời.
Chuyện gần ngay ngã tư này có cái
quán vỉa hè nấu lẩu khá ngon.
Chuyện xa bên Mỹ ông tổng thống vừa
ra một quyết sách sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, khả năng là xăng sẽ
lên giá trước.
Chuyện mấy ông lãnh đạo vừa duyệt
xong một bản quy hoạch mới và đất ở đó sẽ tăng giá rồi lại giảm ngay vì đó là một
loại quy hoạch treo.
Chuyện hôm qua dưới biển có người
đi tắm chết đuối, nhưng có tin đồn cho là tự tử.
Chuyện chứng khoán mất điểm, ngày
mai nên đầu tư vào cổ phiếu gì.
Chuyện người ta đào trộm heo tai
xanh đã chôn tiêu hủy về làm thịt.
Chuyện và chuyện...
Tôi sẽ không nói nhiều về những
câu chuyện của khách, vì họ nói chuyện gì là quyền của họ, mình không có cơn cớ
gì mà thắc mắc. Chỉ có thể nghe để biết và sàng lọc thêm thông tin chung quanh.
Vậy thôi.
Một buổi chiều.
Bốn người khách tầm tuổi khoảng
ba mươi gì đó bước vào cửa. Họ chọn bàn trong chòi lá giữa sân, nơi này không
gian khá thoáng. Mắt Tròn cầm khay nước bước ra hỏi: “Dạ mấy anh dùng gì?” “Cho
bia đi” “Dạ đây là quán cà phê, không có bán bia, mấy anh qua bên nhà hàng
Tranh Nứa...” “Không qua, gọi quản lý ra đây, làm ăn thế à” “Dạ để em vào hỏi
chú ấy thử”. Mắt Tròn lủi thủi đi vào và báo lại với chú quản lý. Ông tặc lưỡi:
“Thôi, chiều khách đi con, ra hỏi xem họ dùng bia gì”. Điều này là trái quy định,
nhưng khả năng sẽ gặp phiền hà nếu không làm theo ý của mấy thượng đế trái
khoáy kia. Mắt Tròn mím môi một cái, xong quay ra hỏi: “Dạ mấy anh dùng bia
gì?”. Một người trong bọn họ, trắng trẻo nhưng cơ bắp trừng mắt nói như quát:
“Ken, mực” (Heineken lon và mực khô). Nếu không có Râu Tơ nãy giờ theo dõi câu
chuyện và lút cút đạp xe đạp qua bên nhà hàng chở bia, có lẽ Mắt Tròn sẽ lúng
túng vì không hiểu họ nói gì (em là lính mới mà).
Khi Râu Tơ khệ nệ ôm thùng bia và
dĩa mực đến bàn, một người trông có vẻ ôn hòa nhất nói với cậu ta: “Gọi con bé
hồi nãy ra đây” “Có chuyện gì không ạ” “Anh góp ý với nó thôi”. Tôi hơi nghi ngờ
điều này nên đã nháy mắt với cô bé, nhưng có lẽ em không hiểu ý. Mắt Tròn vừa
tiến lại bàn thì thằng đó nhanh như điện chồm người xuống, thọc bàn tay vào váy
cô bé. Cả bọn ré lên cười khe khé. Mắt Tròn co người lui lại đứng chết lặng. Một
thằng khác rút trong túi áo ra tờ 50.000 vẫy vẫy: “Lại đây anh bo, bé”. Cô bé
quay đi, vừa chạy vừa ôm mặt khóc.
Tôi nắm chặt hai bàn tay lại để tự
kiềm chế mình. May thay, lúc đó anh Mập bảo vệ không ở đó, nếu không đã xảy
chuyện vì anh này rất nóng.
Trên đời này, tiền mua được nhiều
thứ lắm, rất nhiều thứ. Nhưng không phải có tiền là được quyền sai khiến và hạ
nhục người khác một cách hạ lưu vô sỉ. Tuy nhiên, có nhiều người đã quen dùng đồng
tiền để hành khiển mọi sự, trong đó có cả những người được trọng vọng.
Chắc chắn Mắt Tròn và các cô gái
trong quán từ nay sẽ cảnh giác với đàn ông hơn, điều này không biết nên vui hay
buồn.
(Phần 2)
Năm ngoái, tôi có đăng bài Những
ngày Sông Yên (phần 1). Người đọc không nhiều, người comment lại càng ít hơn.
Nhưng có một comment của anh Lê Vũ – Bình Địa Mộc, một blogger rất thú vị với
những bài viết khá sắc sảo, làm tôi phải suy nghĩ. Anh bảo (khen hay chê không
rõ) tôi là người “nhân hậu và trong trẻo”. Chỉ chừng đó thôi, mà tôi đã phải ngẫm
lại chính con người mình và nhận ra quả có thế thật. Rồi tôi đã không đăng tiếp
phần 2 đã viết xong. Hay ho gì ba cái chuyện nhà hàng khách sạn ở đâu cũng có.
Hơn một năm qua lao tâm khổ xác mưu sinh nên không có tâm trí để viết lại. Vả lại
một điều khó là phần 1 đăng lâu rồi, viết làm sao cho mọi người không phải tìm
đọc lại để hiểu trọn vẹn.
Mấy hôm bị bệnh, nằm nghĩ ngợi đủ
chuyện nhưng không quên việc mắc món nợ blog của chính mình. Mới ngồi dậy,
tranh thủ thời gian chưa đi làm để càm ràm làm lại phần 2, chính xác hơn là 2’.
Xin các bạn kiên nhẫn tí nhé!
Tôi đã xa Sông Yên, xa những câu
chuyện về quán Karaoke Phấn Khích, Cà phê Vườn Xanh đã kể và về những khu khác
của Sông Yên mà tôi chưa kể. Sông Yên không thuộc về những người như tôi. Ngay
cái tựa đề tôi chọn cho bài viết lúc đó đã là “Những Ngày” chứ không phải là
“Những Tháng Ngày”. Nói như vậy, không phải tôi xem thường những người vì điều
kiện hoàn cảnh mà chấp nhận làm việc ở đó. Hầu hết họ đều rất quý mến tôi và
tôi không quyền phụ lòng họ. Song nơi ấy chỉ là nơi tôi tạm trú chân trong chuyến
hành trình đời mình. Trong cuộc trú ngụ đó, tôi đã kịp nhận diện được một vài
chân dung và xin được phác họa đôi nét cùng các bạn.
A. Bà chủ
Đấy là một người đàn bà khoảng 50
tuổi, nhưng trông còn khá trẻ, có cái nhan vóc mặn mòi của một người đàn bà từng
trải cả trên thương trường lẫn tình trường. Thời bao cấp, hai vợ chồng bà đều
là công nhân, cho đến thời gian tinh giản biên chế thì bứt ra làm riêng. Ban đầu,
bà mở một đại lý vật liệu xây dựng nho nhỏ, sau tậu thêm mấy cái máy xay xát phục
vụ cho dân vùng ven thành phố. Một đơn vị bộ đội gần đó thường liên hệ chở trấu
chỗ bà để về làm chất đốt cho nhà bếp. Từ chỗ quen biết với các vị thủ trưởng,
bà trở thành mối hàng của đơn vị ấy, Khá hời! Đến lúc mua được chiếc xe tải cũ
để chuyên chở hàng hóa thì thường xuyên nhận được hợp đồng mỗi khi đơn vị cần,
thỉnh thoảng “hữu nghị” với các thủ trưởng một vài chuyến hàng. Quan hệ mở ra
quan hệ, và với cái tài ngoại giao lúng liếng, giảo hoạt, chẳng bao lâu sau bà
ta quen biết với khá nhiều các vị quan chức của thành phố và tỉnh. Hoạt động sản
xuất kinh doanh của bà mở ra nhiều hướng. Nhân khi thành phố có cơ chế cho thuê
đất dài hạn, bà ta tập trung toàn bộ vốn liếng có được cộng thêm với số tiền
khá lớn vay của ngân hàng theo “dự án được phê duyệt” để mở Công ty Sông Yên.
Bà trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị.
Nhân viên vào làm việc trong công
ty được bà thương tình bao ăn bao ở miễn phí. Chỗ trọ là những khu nhà xây tạm
giống hệt như những khu nhà trọ của giới sinh viên và lao động phổ thông nhan
nhản ở thành phố này, nằm sát ngay khu vực họ làm việc nên không mất thời gian
đi lại. Buổi sáng, mọi người thức dậy, làm vệ sinh và thay quần áo xong chỉ cần
bước vài bước chân thì đã đến chỗ làm. Tối cũng thế, khi hết việc thì có thể
mau chóng trở về tắm rửa ngủ nghỉ. Nhà bếp nấu ăn bằng thức ăn rẻ tiền mà tiếp
phẩm mua ở chợ và cho xe chở đến từng khu vực, nhân viên đổi việc với nhau ăn tại
chỗ. Khá thuận tiện cho cả đôi bên, những người nhân viên thì đỡ mất thời gian
đi ra đi vào, còn bà thì tranh thủ được mỗi ngày tổng cộng khoảng trên 200 giờ
đồng hồ của họ (theo nhẩm tính tối thiểu của tôi) để tận dụng. Công việc nhà
hàng khách sạn các bạn biết rồi đấy, khách khứa bất kể giờ giấc nên thời gian
được xoay tối đa.
Mọi người nói không thấy bà khen
nhân viên bao giờ, khi bà hài lòng một ai đó thì chỉ nở một nụ cười nhếch. Còn
nếu như có một điều gì đó làm bà phật ý thì bà sẽ nói những câu rất mát mẻ theo
cái kiểu bà mẹ nói với con đi chơi về khuya: “con về sớm nhỉ” để rồi người nghe
sướng rền cái lỗ tai. Nếu tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn thì ngay ngày hôm
sau, bà sẽ tuyên bố cho người ta nghỉ việc (chẳng bao giờ có cái hợp đồng lao động
nào, thế mới tài) và lập tức bảo vệ sẽ theo lệnh mà dọn hết đồ đạc của người đó
ra ngoài đường. Nước mắt có rơi cũng chỉ làm cho mọi việc diễn ra nhanh hơn bởi
vì ngay bản thân bà cũng rất ngại rơi nước mắt.
Như đã nói, bà có quan hệ khá rộng
và sâu. Đạt được điều này, bà đã phải đầu tư khá nhiều tâm trí, tiền bạc… Là kỹ
thuật, có hôm qua sửa chữa dàn âm thanh cho phòng lễ tân khu mát xa, tôi nghe
bà lệnh cho Tóc Đỏ: “Chuẩn bị 4 phòng VIP cho anh Mười Một và khách của ảnh”.
(Anh Mười Một là PCT UB…) Sau khi bà đi rồi, nhìn vẻ mặt ngây ngỗng của tôi,
Tóc Đỏ nói: “Cha Bảy vô đây thường xuyên hà”, tôi hỏi tưng tửng: “Khoản này thì
ghi hóa đơn thanh toán kiểu nào nhỉ” “Thanh toán cái con…” Tóc Đỏ đốp lại. Sao
bỗng nhiên nhớ lại câu ca dao: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm…”.
Nhớ lại một bữa bên nhà hàng
Tranh Nứa, Ròm - Trưởng phòng kinh doanh được bà giao nhiệm vụ tiếp khách, mặt
mày hớn hở như Vân Tiên thắng cường đồ. Thế nhưng ngay sau khi người ta về hết
thì nó nhăn như khỉ ăn ớt hiểm và nói với tôi: “Mấy cha này bên Chi cục thuế,
nhậu xong ký sổ để đó” - “Thế bao giờ họ trả” - “Ông ngon thì qua đó đòi đi” nó
quạu lại tôi.
Một lần chính mắt tôi thấy trong
một cuộc nhậu, mấy cha trẻ tuổi thì hỉ hả xoa ngực mấy em gái trẻ, còn cha già
hơn thì lại ôm sát bà chủ, bàn tay gã khi ấy có lẽ còn đẹp hơn cả lúc nghệ sỹ
dương cầm lướt phím trong đoạn nhạc cao trào (xin lỗi, so sánh quá khập khiễng).
Cha già đó là Phó giám đốc một Ngân hàng, nơi bà có số tiền vay khá lớn. Mà có
lẽ đó là kiểu chơi riêng của ông ta chăng?
Chuyện khác nữa, sáng nọ tôi được
giao nhiệm vụ ghi lại một số file trong vài chiếc thẻ nhớ vào mấy cái đĩa CD
mini dưới sự giám sát của ông giám đốc điều hành và con trai bà. Thằng này cũng
khá về vi tính, nhưng nó không tự tay làm vì nó là con bà chủ. Có nghĩa là tôi
không có cơ hội biết những file ấy chứa những gì. Những chiếc đĩa đó sẽ nằm
trong két sắt công ty và những xó xỉnh nào đó thì chỉ ma mới biết. Đó có thể là
bằng chứng để tạo hiệu ứng “đô mi nô” trong trường hợp việc làm ăn của bà đổ bể.
Những việc khác tôi càng không nên và không cần biết. Nếu các bạn băn khoăn rằng
chuyện nhà hàng khách sạn có gì to tát đâu mà phải bí mật vậy, thì các bạn thử
nghĩ xem những việc gì có thể xảy ra ở đó.
B. Ông chủ
Đã nói về bà chủ thì phải đôi lời
nói về ông chủ. Thế nhưng quả thực tôi không có ấn tượng gì nhiều về người đàn
ông này. Nếu bà chủ nom có vẻ trẻ trung rất nhiều so với tuổi thì ông chủ lại
quá ư lọm khọm. Hai người đứng với nhau gần giống cha con. Trong hồ sơ công ty,
ông chủ và những người còn lại của Hội đồng quản trị chỉ có 30% vốn trong khi
bà chủ có đến 70%, (thực tế thì chắc ông là kẻ tay trắng). Vậy là ông được phân
công giữ chức vụ trưởng phòng vật tư – xây dựng, thỉnh thoảng lại tìm cách cắt
xén, ghi khống những chi phí để bù khú với em út bên ngoài. Ông thường xuyên
say xỉn, hay quờ quạng mấy em gái bên nhà hàng khi bà chủ không ở đó. Các em né
ông như né thằng nghiện. Tôi nghĩ láu rằng ông uống triền miên vì niềm vui có một
người vợ tháo vát, đảm đang, nuôi cả gia đình.
C. Con của họ
Họ có ba đứa con, hai trai một
gái. Và tôi xin dẫn lại lời của những người làm trong công ty nói về chúng:
Đứa trai lớn thì “lưu manh”, “phá
gia chi tử”; mấy em gái thì gọi nó là “đồ biến thái”.
Đứa con gái thì không kém cạnh
gì: “mất dạy”, “con đĩ con” (tất nhiên nếu nói về con gái thì hẳn phải tỉa về mẹ
nó một tý).
Đứa trai út thì được ưu ái gọi là
“cậu ấm”.
Vậy đấy.
D. Ròm
Nghĩ rằng đã viết về Sông Yên,
thì có lẽ không nên bỏ qua nhân vật này. Như đã nói ở trên, Ròm là Trưởng phòng
kinh doanh của công ty. Nó trẻ hơn tôi vài tuổi và vì lịch sự thì tôi gọi nó bằng
anh, còn nó thì lúc bình thường cũng gọi tôi bằng anh, nhưng lúc nào đó cao hứng
thì nó mày tao thẳng tuốt. Tướng người nó tong tong nên mọi người gọi nó là
Ròm, chứ tên nó cũng rất hay. Ròm có nước da trắng xanh, không hợp lắm với tuổi
hàng “hâm”. Mái tóc lúc nào cũng có vẻ ươn ướt, bên bết và đó là nhược điểm của
nó. Gương mặt có thể nói là điển trai, duy chỉ có chiếc cằm hơi nhọn và đôi mắt
nheo nheo như chế giễu người ta. Nếu nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì đó
là một đôi cửa sổ lắp kính mờ nên nhìn vào khó có thể biết điều gì đang ẩn chứa
bên trong.
Là dân quê chính gốc, Ròm xuống
thành phố học trung cấp kế toán và xin vào làm thêm ở Sông Yên khi công ty này
mới mở. Với tài ăn nói khôn ngoan và sự khéo léo trong cư xử với đủ loại khách
nên nó được nhanh chóng đề bạt vào chức vụ Trưởng phòng kinh doanh ngay sau khi
tốt nghiệp. Nó không ngần ngại việc nguyền rủa ông bà chủ sau lưng họ, mà rồi
thỉnh thoảng cũng “tâu” lại những khuyết điểm của nhân viên với các vị lãnh đạo.
Điều đó chứng tỏ nó rất tận tâm với công việc. Rảnh rỗi, nó cũng lê la với mấy
anh em thanh niên bọn tôi làm vài chén rượu tiêu sầu ở vỉa hè. Những khi ấy nó
thật dễ thương, tỏ vẻ biết điều và làm cho người ta thích thú với những câu
chuyện khôi hài. Nhưng khi có việc, nó sẵn sàng mắng sa sả những người đáng tuổi
anh chị, tuổi cô chú nếu họ trái lời ông bà chủ.
Với chức trách của mình, nó quán
xuyến toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty, điều hành đa số nhân lực. Từ
đó, nó cũng kiếm được nhiều vụ béo bở và nhất là nắm được hầu hết mọi thông tin
cũng như tài liệu. Lẽ tất nhiên một người như bà chủ thì hiểu rõ nó, nên bà ta
ưu đãi nó với mức lương gần bằng lương giám đốc điều hành vì bà ta biết rằng nếu
nó nghỉ việc hoặc lật lọng thì hậu quả khôn lường.
Nó cũng có tính trăng hoa, nhưng
không bao giờ chiêu dụ mấy em gái nhà lành và mấy em sinh viên làm tại công ty.
Điều đó có lẽ sẽ ảnh hưởng đến công việc và gia đình (nó đã có vợ con). Nó chỉ
“thổi” mấy em quán bar với mấy em cave bên ngoài được công ty thỉnh vào mỗi khi
khách có nhu cầu. Đó là mấy em xinh như mộng, và nó nằm mộng rồi trả tiền.
E. Mắt Tròn
Chính là cô bé bị quấy rối ở quán
cà phê mà tôi đã kể ở phần 1. Nhà em ở một huyện miền núi. Ba má em chỉ có mình
em, rồi thì năm 7 tuổi ba bị tai nạn lao động qua đời. Khi em đang học lớp 12
thì một tai họa khác ập đến khiến mẹ em nằm một chỗ và sau khi gượng dậy được
thì bà chỉ còn khả năng làm những việc nhẹ. Được sự giúp đỡ của bà con ở quê
(cũng nghèo đều), Mắt Tròn ráng học đến khi tốt nghiệp THPT thì xuống phố tìm
việc làm và Sông Yên là nơi thứ 2 em làm việc sau nơi đầu tiên là một cơ sở
may. Công việc của em là chạy bàn cho quán cà phê Vườn Xanh 10 tiếng một ngày.
Em có vóc người nhỏ nhắn, gương mặt
xinh xắn với đôi mắt trong veo thăm thẳm buồn. Đôi mắt ấy đã từng làm tôi phải
nghĩ ngợi, không phải vì tôi yêu em mà vì những điều tôi đọc được trong đó. Nó
giống với sự cam nhẫn trong mắt các nữ tu.
Đầu tiên khi tiếp xúc với tôi em
có vẻ e dè, đó là một điều dễ hiểu vì tướng mạo tôi có vẻ hơi cổ quái. Nhưng
sau vài lần tiếp xúc em dần dần thân với tôi và hay nói chuyện khi có dịp. Thú
thực tôi rất dễ chịu khi trò chuyện cùng em, vì em như ngọn gió núi thuần khiết
tinh khôi, cuốn bay ít nhiều bụi bặm ở cái thằng tôi. Câu đầu tiên chân thành
mà tôi nói với em (mà cả với chính mình) là “kiếm chỗ khác làm đi bé ạ, em
không nên ở lại đây lâu”.
Điều đó trở thành hiện thực chỉ
sau đó mấy tuần. Một hôm, khi cần tiền gấp để lo việc nhà, em đã lên gặp bà chủ
để xin ứng lương. Việc này thường thì chỉ cần giám đốc điều hành giải quyết với
tài vụ, nhưng hôm ấy đã quá hạn trả lương, mà theo lệnh bà chủ thì chưa thể chi
được, nên ông giám đốc đã hướng dẫn cô bé lên gặp bà. Không may cho em, lúc đó
bà ta đang có khách, vì thế khi ấy bà chỉ mỉm cười và gật đầu “được rồi con”.
Ngày hôm sau, em nhận được đầy đủ lương của tháng trước và một nửa của tháng
đang làm kèm theo ba chữ “cho thôi việc”.
Trước khi rời Sông Yên, em có đến
chào tôi. Chẳng có giọt lệ nào đâu, nhưng tôi cảm thấy trong em đang có gì đó
chảy ngược vào trong. Tôi không còn gặp lại em nữa và cũng không trông mong điều
đó, chỉ thầm chúc em hai chữ bình an, thế thôi.
F. Dì Chín
Mọi người ở cái công ty ấy đều gọi
dì như vậy.
Xưa dì là thanh niên xung phong,
thời kỳ sau giải phóng đi là công nhân. Đến lúc sức khỏe không cho phép tiếp tục
công việc nữa thì cơ quan cũ giải quyết cho nghỉ chế độ một lần chờ đến tuổi
hưu. Chồng dì làm bên ngành bảo tồn bảo tàng, thu nhập cũng chẳng nhiều nhặn
gì. Dì làm ở Sông Yên để kiếm thêm tiền nuôi cậu con trai thứ 2 đang học đại học.
Công việc của dì là tạp vụ, quét
dọn lau chùi và tưới cây. Dì làm luôn tay luôn chân và có thể vừa làm vừa nói
thao thao bất tuyệt. Tính dì bộc toạc, ruột để ngoài da, nhưng được cái rất
thương người. Với tôi, có món gì ngon, dì cũng để phần. Với các em trẻ hơn, khi
rảnh rỗi là dì lại tìm cách bảo ban khuyên nhủ. Với ông Đen bảo vệ, nếu có bia
thừa của khách, dì lại gom lại để cho ông uống thay nước, ông ta rất khoái.
Chẳng có gì để nói nếu không có một
hôm, bà chủ ép một em gái mới tuyển vào chạy bàn bên nhà hàng phải ngồi với
khách. Cô bé không chịu và khóc lóc. Lúc ấy, dì Chín nói thẳng vào mặt bà chủ:
“bà nhẫn tâm vừa vừa thôi, nó mới bằng tuổi con tuổi cháu bà, làm ăn còn để phước
đức cho ngày sau nữa chớ”. Tất cả mọi người có mặt ở đó (kể cả bà chủ) đều sững
sờ. Một lát sau, bà ta mới mở miệng: “chị dám…”. “Ờ tôi dám, trái tai gai mắt
quá là tôi phải nói thôi”.
Tuy nhiên, không biết tại sao dì
không bị cho nghỉ việc.
Mấy dòng phác họa như vậy. Không
thể kể hết về những việc đã thấy, những người đã gặp ở Sông Yên, tôi xin kết lại
bài viết này ở đây. Nếu viết tiếp, với kiểu ăn nói của mình, tôi sẽ làm các bạn
giận mất. Và tôi thành thật xin lỗi điều đó.
Trên đất nước này còn có biết bao
nhiêu Sông Yên đang chảy.
Giả sử các bạn có đọc đến đây,
vui lòng comment cho tôi vài dòng.
Chúc các bạn vui vẻ.
Nhận xét