TAM KỲ, BA CÁI CHI CHI
(Click chuột vào ảnh để xem kích thước đầy đủ)
Tam Kỳ, là vùng đất gắn bó với
con số 3, như một định mệnh.
Con số 3 ấy, có ngay từ ở cái
tên: Tam Kỳ. Theo các nhà “Tam Kỳ học”, tên gọi Tam Kỳ xa xưa nhất được ghi nhận
đầy đủ trong văn bản lập vào năm Cảnh Hưng 20 tức năm 1760 là “Tân lập vi tử
Tam Kỳ xã” trực thuộc “Thăng Hoa phủ”.
Còn tại sao có cái tên ấy thì đến
nay, có rất nhiều cách lý giải, nghiêm túc cũng lắm mà bông đùa cũng nhiều.
Nhưng cách giải thích được nhiều người chấp nhận nhất là theo một truyền thuyết:
Ngày xưa khi ông Khổng lồ gánh đất lấp biển, một lần đòn gánh bị gãy, có ba đống
đất rơi xuống tạo thành ba ngọn đồi. Đó là: An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Ba ngọn
đồi này tàu thuyền thương gia đi ngoài biển nhìn thấy chóp của nó nhô lên, nên
họ gọi là vùng đất Tam Kỳ, tức Ba Cái Gò.
Đồi An Hà nhìn từ trên cao, nơi có ngọn tháp truyền hình - Ảnh: Mai Thành Chương trên báo Quảng Nam
Đến nay, “ba cái gò” đó chỉ còn lại
hai đồi An Hà, Quảng Phú. Đồi Trà Cai đã bị xóa sổ bởi những người ”không-phải-Tam-Kỳ”
ngay sau ngày tách tỉnh, họ đã san phẳng ngọn đồi này, để lấy đất nguyên liệu đổ
mặt bằng cho những công trình xây dựng. Điều này, vô tình đã xóa đi mốc định
danh cho miền đất, đồng thời cũng phá hỏng phong thủy của một khu vực được coi
là đắc địa, mà người ta chọn làm tỉnh đường ngày trước, nay là trụ sở UBND tỉnh.
Cách đây chừng bốn năm năm, đài VTV làm phóng sự “Tam Kỳ phố ngã ba sông” cũng
phải nói lảng đi là ba cái gò, hoàn toàn không hề nhắc đến tên gọi của ba cái
gò. Bi hài.
Xưa kia nơi này vốn là lãnh thổ của
Chiêm Thành, một vùng núi rừng nguyên sinh xen lẫn các thung lũng trải dài đến
tận ven các con sông. Đất Tam Kỳ hiện tại được tiếp quản sau cuộc bình Chiêm của
vua Lê Thánh Tông. Sử sách ghi nhận vào cuối thế kỷ 15, ngài Bình Chiêm Triệu
Quốc Công Lê Tấn Trung – con trai hoàng đế Lê Thái Tông đem dân quân đến cát cứ,
khai thôn lập ấp. Đầu tiên là tại làng Phú Xuân Trung nay thuộc khu chợ Lò cũ,
xã Tam Thái huyện Phú Ninh. Gọi là chợ Lò vì cái chợ đó gần khu lò rèn, nay vẫn
còn dấu tích những sỉ quặng sắt đen ngòm nằm trong diện tích vài
hecta. Sau đó người ta chia nhau ra ở rải rác tại các vùng Tam Thăng, Tam Phú, An
Sơn... Đó là những cư dân Việt đầu tiên trên mảnh đất này. Tuy nhiên, cư dân
Tam Kỳ ngày nay lại được hình thành chủ yếu từ 3 cuộc di dân. Cuộc di dân đầu
tiên và kéo dài nhất là từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến hết thời Tây Sơn.
Người ta chạy trốn chiến sự, chạy trốn sự truy sát, tầm nã và trả thù của các
vương triều và dòng họ mà đến nơi đây nương náu tại những xóm nay thuộc các phường
Phước Hòa, Hòa Hương, An Sơn, Tân Thạnh… Trong thời kỳ này, những người phản
Thanh phục Minh bên Trung Quốc thất bại trong các cuộc khởi nghĩa cũng kéo sang,
lập nên phố Tàu (đường Phan Đình Phùng). Mà hễ ở đâu có người Tàu, ở đó có giao
thương phát triển, điều này đã được minh chứng từ Phố Hiến, Hội An đến Chợ Lớn...
Ở Tam Kỳ, cùng với người Việt, người Tàu đã góp phần dựng lên chợ Vạn (chợ Kỳ
Phú cũ), khởi nguồn cho Tam Kỳ phố ngày nay. Cuộc di dân thứ hai là trong thời
kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954, dân các nơi từ Bắc Quảng Nam, Huế, Quảng
Ngãi… đổ về khá đông, Tam Kỳ phố từ đó dần dần thành hình. Và cuộc di dân có
quy mô lần thứ ba là từ năm 1997, sau khi tách tỉnh và Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ,
cán bộ công chức và những người giàu lên nhờ vàng, trầm, gỗ, buôn bán… ào ạt đổ
về. Lớp lớp cư dân ấy đã tạo nên một thành phố như ngày nay. Chính vì là dân
góp tứ xứ, nên người Tam Kỳ thiếu hẳn bản sắc riêng, không như dân ở những miền
quê khác của Quảng Nam: Tiên Phước, Điện Bàn, Đại Lộc hay Duy Xuyên. Tình yêu
quê hương cũng có phần nhợt nhạt, và những người học hành thành đạt thường lặn
lội mưu sinh ở chốn xa, hầu như chẳng mấy ai lưu luyến quay về.
Hồ Phú Ninh - đầu nguồn sông Tam Kỳ
Tam Kỳ, còn là nơi “trên ngã ba
đường, dưới ngã ba sông”. Ngã ba sông là nơi hợp lưu của hai dòng sông Tam Kỳ
và Bàn Thạch tại Đò Ba Bến, là đoạn dưới chân cầu đoạn đường Nam Quảng Nam hiện
tại rồi cùng đổ ra cửa biển. Ngã ba đường là chốn giao nhau của con đường cái
quan Bắc Nam với con đường đi lên các huyện phía Tây Nam của tỉnh là Tiên Phước,
Trà My, đến với dãy Ngọc Linh xa mờ có giống sâm quý và đi sang Kontum tỉnh bạn.
Theo phong thủy thì thế đất này không được đẹp, vì đó là thế “quần ngư tranh thực”,
đàn cá chỉ đến ăn rồi tản mát, không tụ. Ngã ba sông thì còn, nhưng dòng sông
Tam Kỳ xem như đã chết sau khi xây dựng hồ Phú Ninh, chỉ còn nước triều lên xuống,
dòng chảy thực sự chỉ có khi hồ xả lũ trong mùa mưa. Còn “ngã ba đường” thì đã
mất từ lâu, sau khi người ta bỏ con đường cái quan cũ, dấu vết ngày nay là một
đoạn đường Nguyễn Thái Học quanh co thuộc phường An Mỹ, để chuyển quốc lộ xuống
đường Phan Chu Trinh và sau đó là chuyển lên đường Nguyễn Hoàng.
Trước đây, trong quy hoạch của
người Pháp, họ đã cố tình tạo ra một Tam Kỳ hoàn toàn chỉ có ngã ba. Khi người
Mỹ làm con đường Huỳnh Thúc Kháng để phục vụ cho mục đích quân sự, mới hình
thành ngã tư bà Thanh và ngã tư đường đất đỏ (Huỳnh Thúc Kháng – Hùng Vương).
Bây giờ thì đã có rất nhiều ngã tư với đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy.
Đường Trần Cao Vân, hướng đi Phú Ninh - Tiên Phước
Xưa, trong cuốn Đại Nam nhất thống
chí, người ta ghi nhận Tam Kỳ có ba ngôi chợ lớn nhất là chợ Tam Kỳ, chợ Chiên
Đàn và chợ Khánh Thọ. Giờ đây, Chiên Đàn và Khánh Thọ đã về đất Phú Ninh. Còn
chợ Tam Kỳ sau ba lần di dời, hiện tọa lạc tại phường Phước Hòa, bề thế, khang
trang nhưng kiến trúc hoàn toàn không phù hợp với cung cách kinh doanh của tiểu
thương và không hề đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Sau ngày giải phóng, huyện Tam Kỳ
cũ đã được chia làm ba đơn vị hành chính. Lần chia tách đầu tiên là vào năm
1984, lập ra huyện mới Núi Thành. Việc này theo ý kiến cá nhân tôi cho là hợp
lý, vì Tam Kỳ hồi đó quá rộng, rất khó khăn cho việc quản lý khi có chiều dài
lên đến trên 40km và chiều rộng là 30km. Lần thứ hai Tam Kỳ chia tách là vào năm
2005. Với sự nôn nóng mau chóng đạt được các tiêu chí của thành phố, người ta lại
tách từ Tam Kỳ thị xã ra ra một huyện Phú Ninh. Đây là một việc làm thiển cận,
vì những nơi có tiềm năng cho kinh tế và du lịch cùng với các di tích lịch sử văn
hóa đều được chia hết cho huyện mới. Tam Kỳ chỉ còn trơ trọi một đô thị ngổn
ngang dang dở nằm cạnh một bờ biển dần dần bị xâm thực. Và theo đà phát triển,
thì chẳng bao lâu nữa quỹ đất của thành phố sẽ cạn kiệt. Điều này không khó
khăn gì để dự báo khi nhìn vào tấm gương Đà Nẵng anh em. Chỉ sau hai mươi năm
chia tay Quảng Nam, Đà Nẵng giờ đã lấn đến sát chân đèo Hải Vân và hiện vẫn
đang khao khát có được Điện Bàn, Đại Lộc và Hội An của Quảng Nam. Sau này, có lẽ
Tam Kỳ phải “mua” lại đất của Núi Thành, Phú Ninh hay Thăng Bình chăng?
Tam Kỳ, còn là điểm trung độ của
đường sắt Bắc Nam, nơi người ta sắp mở con đường trục ngang Điện Biên Phủ giao
cắt với đường sắt chính là km 864,5 nằm chính giữa hai ga Hà Nội và Sài Gòn. Dự
kiến là sẽ có một chiếc cầu vượt của đường bộ vắt qua đây, cầu vượt đầu tiên của
Tam Kỳ với đường tàu.
Nhân ngày mưa, tản mạn khảo đôi
dòng về mấy con số ba gần như định mệnh của Tam Kỳ, chỉ mong muốn góp thêm chút
thông tin cho mọi người. Ôi Tam Kỳ, ba cái chi chi?
Nhận xét