CHÍNH TẢ HAY THỔ TẢ
Vài hôm nay bạn bè tôi rảnh rỗi và có nói
nhiều chuyện xoay quanh chính tả, điều này một phần là do những tranh luận trên
trang của nhà văn PT. Có bạn hỏi ý kiến tôi như thế nào, tôi trả lời là việc
này không giải thích ngắn gọn được trong vài câu. Tuy chỉ là đứa bốc phét trên
mạng, nhưng các bạn đã hỏi thì tôi xin mạo muội có đôi dòng trả lời như sau:
Chính tả là sản phẩm của ngữ hệ đa âm
tiết, chẳng hạn như Ấn Âu. Đối với ngữ hệ này, việc nói hay viết sai một tí sẽ
làm thay đổi ngữ nghĩa của từ, của câu. Ví dụ như trong tiếng Anh, thêm “s” sẽ
trở thành số nhiều, thêm “ed” sẽ trở thành quá khứ. Tiếng Nga thì phân giống
đực cái loạn xị cả lên, nói hay viết sai thì ngay cả ông Marx râu xồm cũng hóa
thành bà thím.
Trong tiếng Việt Nam, chính tả là một thứ vớ
vẩn ngoại lai. Sai hơn nữa là người ta bảo rằng ông A, bà B “nói sai chính tả”.
Tiếng Quảng Nam không phân biệt dấu hỏi ngã, vần “ươu” nói thành vần “ưu”, hoặc
như dân Tam Kỳ chúng tôi phát âm rằng “Tôm Theng eng chố”… không phải là sai
chính tả mà đó là thổ âm, tức là cách phát âm đặc trưng vùng miền. Đôi lúc thổ
âm kết hợp với thổ ngữ làm cho người vùng khác “bó tai”. Ở cơ quan có cô giáo
người Nghệ nói chuyện với tôi: “Nỏ biết chi mô eng”, đảm bảo câu này 99% dân
Tam Kỳ không hiểu, còn tôi nằm trong số 1%.
Hồi ông Bùi Hiền khuấy đảo vụ chữ viết
chuẩn "Bùi Hiền" và bị chửi loạn cào cào lên, tôi từng viết một entry
đăng blog và được 1, 2 trang tin đăng lại ở mục bạn đọc viết, dùng nick name
nên tôi không được nhận nhuận bút nhưng không sao, có người đọc là vui rồi.
Trong đó tôi phân tích cái sai nghiêm trọng nhất của Bùi Hiền là lấy thổ âm Hà
Nội để làm chuẩn cho bộ chữ của mình. Giọng Hà Nội phát âm rất dặt dẹo ẻo lả,
một số cụm phụ âm như [d, gi, r] đều phát âm thành z, [tr, ch] đều quy đồng thành
ch’... Điều này sẽ khiến cho “tiếng Bùi Hiền” đi lệch hướng xa hơn với tiếng
Việt Nam hiện tại, càng xa cách với tiếng Việt xưa.
Tiếng Việt Nam nằm trong hệ ngôn ngữ
đơn âm tiết và có chữ viết vuông tượng hình, ghi ý mà ngay nay người ta gọi một
cách ngu xuẩn là chữ Tàu. Các bạn nên nhớ là không có bất kỳ văn bản nào ở
cấp nhà nước quy định giọng
chuẩn và quốc tự của tiếng Việt. Việc bị latin hóa là do
các đồng chí truyền đạo (Chúa) sinh ra, rồi do lịch sử chiến tranh các thứ làm
cho nó trở thành cái gọi là “quốc ngữ”, sai từ khái niệm đến cách dùng từ. Cái
"chữ Tàu" kia nó nằm chình ình trong gia phả trên bàn thờ dòng họ nhà
các bạn đấy, trừ những bạn có nguồn gốc đã bị xâm lăng và bị đồng hóa như các
bộ lạc Nam Đảo. Không đọc được chữ ông bà, đối với tôi là một nỗi buồn, có phần
tủi nhục.
Quay lại với chính tả, tôi lấy ví dụ
cho dễ hiểu, thứ tôi và đồng bọn hay uống ông bà ta viết là 酒,âm Hán (Đường) gọi là Tửu, Hà Nội đọc là
Ziệu, Thái Bình quê ngoại tôi đọc là Riệu, Bắc Trung bộ đọc là Rượu, Quảng Nam
đọc là Rựu, Miền Tây đọc là Gụ, mấy chú Khách đọc là Nhậu. Vứt hết chính tả đi,
nếu ta học và viết chữ vuông 酒 thì mọi người đều hiểu, chứ còn viết là Rượu mà đọc là Gụ
thì không thể chấp nhận được. Nhưng phải viết cho đúng chữ vuông ấy, còn đọc
thế nào là quyền của từng vùng miền. Điều này lý giải luôn việc phát âm ngược
L, N của Đông Bắc Bộ không phát là phát âm sai mà đó cũng chỉ là thổ âm “em nàm
nông, em nàm núa em không học nuật nệ giao thông”.
Chữ vuông đứng độc lập 1 từ thì tự thân
nó đã có nghĩa rõ ràng, còn ký âm bằng latin thì buộc từ ấy phải nằm trong ngữ
cảnh cùng với một hoặc nhiều từ khác mới có thể hiểu được. Các từ đồng âm chẳng
hạn, nếu tôi viết vỏn vẹn 1 chữ “Đồng” thì chả ai biết nó là đồng bào, đồng
ruộng, đồng xu… gì cả.
Việc ép tiếng Việt Nam (lưu ý từ Việt Nam tôi
dùng trong bài viết này) phải “có chính tả” sẽ dần dần giết chết thổ ngữ, ai
sống lâu một tí nhận thấy điều này. Sẽ rất chán nếu một ngày nào đó không còn
cái giọng ẻo lả của Hà thành, không còn cái giọng nũng nịu dạ thưa của Huế thần
kinh và không còn cái giọng hào sảng ngang ngạnh của Sài thành. Người người đều
phát âm hệt như VTV thì nghe nó đơn điệu gỗ đá làm sao.
Đã từng có đề xuất dạy lại chữ vuông
trong trường học và bị đám ngu học chửi túi bụi, nói rằng đảng ta bán nước theo
Tàu. Nên nhớ rằng Đài Loan, Nam Triều hay Nhật Bản vẫn giữ lại thứ chữ vuông
của họ, mặc dù họ văn minh hơn các bạn rất nhiều và đều có khả năng tự latin
hóa không cần thầy Tây. Nhưng họ sẽ không làm, vì bản thân chữ viết đã cõng cả
1 nền văn hóa truyền thống. Chạy theo “chính tả”, bỏ đi chữ vuông khiến cho
chúng ta ngày càng bị ngoại lai, mai một. Ấy là chưa kể tiếng Tây dạo này xuất
hiện nhan nhản ngay cả trong những bài báo lẽ ra phải thuần Việt, chẳng hạn
ship và shipper, trend, hay VTV awards… Điều đó không làm cho các bạn sang
chảnh hơn mà ngược lại, nó khiến cho các bạn trở nên hạ đẳng đáng thương.
Đến đây, có người sẽ gọi tôi là đồ Hán
nô. Không đâu, nhắc lại là tôi nằm trong số 1%, thế thôi. Không giỏi hơn ai
nhưng tôi có quyền khác biệt.
Tôi thật.
Nhận xét