ANH LÊN HÒN KẼM ĐÁ DỪNG
(Click vào ảnh để xem kích thước đầy đủ)
Chuyến đi Hòn Kẽm Đá Dừng là một
phần trong kế hoạch phượt ngắn mùa hè 2016 của nhóm, đã được dự liệu trước mươi
ngày.
Như đã hẹn, gần 7 giờ sáng ngày
10/7/2016, mọi người lần lượt có mặt tại quán cà phê góc đường Trần Cao Vân gần cầu Trường Xuân. Sau khi làm vài thủ tục nho nhỏ, kiểm tra lại trang bị và hành lý, đúng 7
giờ 30, chúng tôi xuất phát.
Đoàn xe băng nhanh trên đoạn đường
Nguyễn Hoàng, rẽ vào cuối đường Trần Phú để lên trung tâm huyện Phú Ninh. Trời
buổi sáng còn rất trong xanh và mát mẻ, hứa hẹn một ngày nắng tưng bừng.
Đi trong nắng sớm
Từ thị trấn Phú Thịnh, chúng tôi
chạy thẳng ra Cẩm Khê, lên Eo Gió, qua Tiên Cẩm, leo dốc Nước Nhĩ ra Tiên Sơn
và trực chỉ đến Bình Lâm.
Dừng chân tại ở Việt An, mấy anh
“chợ thủ” tranh thủ ghé vào chợ, mua ít thức ăn dành cho buổi trưa.
Ngã tư Việt An
Sau đó tiếp
tục cuộc hành trình băng qua thị trấn Tân An để đến bến đò Trà Linh, xã Hiệp
Hòa, huyện Hiệp Đức.
Bến đò Trà Linh
Tới nơi thì đã gần trưa, phía
trên bến đò là một bãi sạn rộng cả hecta, đá sạn, đá cuội đủ loại sột soạt dưới
bánh xe. Vừa vặn một chuyến đò vừa ở bến dưới trở lên. Ông chủ đò vừa cập mạn
vào bờ, vừa hỏi lớn: “Anh em đi mấy xe?” “Dạ 6 chiếc” “Đò này chỉ chở được 4
chiếc”. Vậy là phải tách làm hai nhóm đi hai lượt.
Lên đò
Thấy cao cao bên kia bờ sông có
cái kiến trúc lạ lạ, tôi hỏi bà vợ ông lái đò thì được biết đó là một cái tượng
đài nhỏ kỷ niệm chỗ chiếc máy bay bị du kích bắn hạ hồi chiến tranh. Bà nói
thêm: “Ông Thạch xây đó”. Anh em đang ngớ người ra chưa biết ông Thạch là ông
nào thì ông chồng chen vào: “Ông Phan Như Thạch”. Thì ra là ông tướng công an
đã về hưu, từng nổi đình đám trên báo với khu biệt thự ở chân đèo Hải Vân.
Đài kỷ niệm nơi máy bay bị du kích bắn hạ
Tôi ở lại với nhóm đi sau, trong
lúc chờ đò, tôi cùng Bảo đi nhặt vài hòn đá có màu sắc, hoa văn đẹp đem về…
chơi.
Ngồi chờ đò trong cái nắng chang
chang của mùa hè quả là một điều không dễ chịu chút nào. Rốt cuộc, sau gần tiếng
đồng hồ, cũng nghe được tiếng động cơ phía sau khúc cua của dòng sông Trà. Và rồi
một con đò xuất hiện, trên đó là một người lái đò với nụ cười cố hữu trên gương
mặt.
Ngoài bốn người chúng tôi ra,
trên chuyến đò này còn có thêm vài người khách đã được đón sẵn đang ngồi trong
khoang.
Chúng tôi lên đò và con đò lạch tạch
quay đầu, xuôi dòng sông Trà băng qua hòn Kẽm. Hai bên bờ là những vách đá vô
cùng kỳ vĩ cùng với cây cỏ xanh rờn trông thật mát mắt.
Những vách đá tuyệt đẹp bên bờ sông
Qua khỏi hòn Kẽm về
phía hạ lưu, tôi cũng có được góc ảnh giống như trong những bức ảnh thường thấy
về danh thắng này.
Hòn Kẽm đá Dừng là đây
Ngày xưa, con gái bến trên lấy chồng
về dưới, khi đã xuôi dòng thì muốn quay trở về thăm cha mẹ là điều rất khó, bởi
với sức chèo của thuyền nan hồi đó thì việc ngược dòng sông chảy xiết là cực kỳ
gian nan. Đoạn đường qua đây, đường bộ không thể đi được. Vì vậy mới có câu ca:
“Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng
“Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu
ơi”
Đi bộ là một điều không thể, vì hai bên bờ sông toàn những vách "đá dựng"
Đò cập bến Đá Ngang, thôn Thạch
Bích, xã Quế Lâm. Ngồi chồm hỗm trên bờ đón chúng tôi là anh chàng Bình mập đã xuống
với nhóm trước. Trên tay hắn lăm lăm cái máy ảnh cùng nụ cười cực kỳ bí hiểm.
Bến đò Đá Ngang
Lên bờ, được biết anh em đã nhờ
được một gia đình ngay cạnh bến đò cho mượn bếp núc, mấy bếp thủ đã vào đó dao
thớt cho bữa trưa. Khỏe quá, vậy là khỏi nấu ăn ngoài rừng. Ở nhà chỉ có một bà
chủ nhà – bà Mười, ông chồng và anh con trai đi ăn đám cưới chưa về.
"Lũa thủ" đang tranh thủ
Bà chủ nhà, cũng như tất cả những
người dân quê xứ Quảng khác, rất nhiệt tình giúp đỡ anh em chúng tôi một cách xởi
lởi, vui vẻ. Nghĩ lại lối sống ngày càng lạnh nhạt đầy nghi kỵ của dân thành phố,
thấy hơi chạnh lòng.
Bữa cơm được dọn ra với những món
dân dã đơn giản nhưng cực kỳ ngon miệng, phần vì đói, phần vì tay nghề của mấy
chàng nhà bếp cũng hơi bị được. Trong lúc câu chuyện đang rôm rả thì anh con
trai đi ăn cưới trở về, sau khi thay quần áo, anh vui vẻ uống với chúng tôi một
ly rượu giao lưu rồi tranh thủ ra sông chạy đò.
Một lúc sau ông Mười về và không
nề hà gì, sau lời mời của anh em chúng tôi, ông ngồi vào mâm, hồ hởi trò chuyện.
Qua câu chuyện của ông chúng tôi được biết gia đình ông đã ba đời làm nghề đưa
đò ở bến đò Đá Ngang này, cuộc đời gắn bó với sông nước đã cho ông một sức vóc
dẻo dai. Ông bảo trên hòn Kẽm bây giờ, khỉ nhiều lắm chứ hồi chiến tranh, bom đạn
nhiều khiến khỉ chết gần hết. Nay thì có lúc chúng kéo xuống rẫy bắp hàng vài
trăm con, bẻ bắp ăn. Ông kể điều đó với niềm tự hào về quê hương thanh bình. Không
chỉ có thế, trong suy nghĩ của tôi, bầy khỉ này tồn tại và sinh sôi được một phần
là do ý thức của người dân nơi đây khá tốt, họ không săn bắn bừa bãi loài linh trưởng này.
Lũ khỉ thường trèo xuống bẻ trộm bắp người dân trồng bên sông
Khi biết được ý định của chúng tôi,
ông nói: “Mấy anh em muốn lên núi Kẽm, phải gởi xe máy rồi nhờ đò chở lên, từ
đó leo bộ lên núi, hẹn trước thời gian đò sẽ tới đón về”. Do không tìm hiểu từ trước, nên chúng
tôi đã không đủ thì giờ để thực hiện điều này vì chỉ có thể đi về trong ngày,
ai cũng bận bịu với công việc thường nhật. Với lại trên Kẽm, núi cũng chỉ như
núi, không có gì khác biệt mấy so với rất nhiều ngọn núi ở miền Trung.
Ông Mười vui vẻ trò chuyện
Nghỉ trưa xong, anh em lục tục
thu dọn đồ đạc, hành lý, cảm ơn và từ biệt chủ nhà rồi lên đường ra về. Ông Mười còn kể thêm: Lúc trước có cô nhà báo lên đây, trưa cũng nghỉ lại nhà ông, chiều về móc tiền ra trả làm ông bực mình: "Tiền bạc ở đây không dư dả bằng tình người". Dân quê tôi là vậy, hồn hậu, thân thiện và phóng khoáng, yêu biết mấy.
Phía dưới
bến đò chừng cây số là một chiếc cầu treo rất đẹp, chúng tôi dừng lại lấy vài
kiểu ảnh.
Cầu treo
Phong cảnh nơi đây đẹp tuyệt. Vẫn màu xanh long lanh của núi rừng.
Dòng sông Trà nhìn từ cầu treo
Đoàn xe lại rong ruổi trở về
trong cái nắng chiều oi ả của mùa hè xứ Quảng.
Qua Trung Phước
Trên đỉnh đèo Le
Những quái thạch trên rộng lúa gieo
Tảng đá hình con rùa
Vậy là một chuyến đi thành công, tuy chưa trọn vẹn, nhưng để lại khá nhiều cảm xúc và sự thích thú, hào hứng. Anh em trở về Trường Xuân ngồi lại lai rai ngay tại điểm xuất phát và hẹn nhau những chuyến đi tiếp theo.
Nhận xét